Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Cần Thơ sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, sức cạnh tranh cao, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn chuỗi giá trị sản phẩm.
Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ về thủy sản (nhất là trung tâm sản xuất giống thủy sản chủ lực chất lượng cao). Đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 là: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông nghiệp - thủy sản bình quân đạt 2,5%. Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản trong cơ cấu kinh tế 5,5 - 6%.
Tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn 2026-2030, GRDP khu vực nông nghiệp - thủy sản bình quân đạt 2%. Tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản trong cơ cấu kinh tế: 3,5 - 4%. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm đạt 100%. Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 30%. Lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn, đào tạo nghề đạt trên 30%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác đạt trên 60%.
Đến năm 2030, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 90%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 9.500 ha, bao gồm: nuôi ao và mương vườn 2.980 ha, riêng diện tích nuôi cá tra là 750 ha, nuôi cá kết hợp với trồng lúa 5.545 ha; sản xuất giống và nuôi thủy sản khác 225 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 265.000 tấn, trong đó sản lượng cá tra đạt khoảng 185.000 tấn. Số lượng cơ sở sản xuất giống là 150 cơ sở.
Nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu
Đối với cá tra, tổ chức thực hiện hiệu quả “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng thời, tập trung phát triển nuôi cá tra công nghiệp ven sông Hậu và các khu vực có điều kiện thuận lợi để sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, nghiên cứu, áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu để bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. ứng dụng công nghệ mới về chọn tạo giống, dinh dưỡng, vaccine, công nghệ enzyme, giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải, nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển nghề nuôi cá tra theo hướng bền vững.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, tăng cường liên kết sản xuất, phát triển ngành cá tra theo chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ diện tích, sản phẩm cá tra nuôi được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng GAP, ASC, BAP... đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Đối với cá rô phi và các loài thủy sản khác nuôi lồng bè: Phát triển nuôi cá rô phi tập trung áp dụng công nghệ cao, có chứng nhận để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển nuôi cá rô phi lồng bè ven sông Hậu theo hướng bền vững. Phát triển nuôi ổn định khoảng 300 lồng, bè nuôi ven sông Hậu. Duy trì và phát triển mô hình nuôi cá rô phi ghép với các loài thủy sản khác trong hệ thống nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
Các đối tượng thủy sản nuôi khác, thành phố Cần Thơ sẽ duy trì quy mô sản xuất các loài cá truyền thống cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đa dạng loài nuôi, sản phẩm nuôi, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá thát lát, cá lóc, cá trê, lươn, ếch, cá chạch lấu… Có điều kiện thuận lợi thì xuất khẩu sản phẩm chế biến các loài cá bản địa nhằm tăng thu nhập và ngoại tệ.
Bên cạnh đó, phát triển mô hình nuôi thủy sản làm cảnh/giải trí, các mô hình nông nghiệp đô thị ở các quận trung tâm. Đặc biệt phát triển mô hình nuôi thủy sản hữu cơ: Phát triển các mô hình nuôi tôm – lúa, cá – lúa; phát triển mô hình cây ăn trái kết hợp thủy sản.
Tăng cường quản lý truy xuất nguồn giống thủy sản
Để phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long”. Thực hiện nghiên cứu, sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào gắn với Trung tâm nghề cá lớn.
Tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc giống thủy sản nhập vào địa bàn; kiểm soát dịch bệnh đối với giống thủy sản đảm bảo 100% giống thủy sản được kiểm dịch khi lưu thông ra khỏi địa bàn; kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam; ngăn ngừa phát tán và lây lan dịch bệnh thủy sản.
Hỗ trợ phát triển liên kết giữa sản xuất thức ăn, thuốc, vật tư thiết yếu với các vùng nuôi tập trung, tiến tới đáp ứng 100% nguồn vật tư sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu số lượng, chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Kiểm soát dịch bệnh đối với giống thủy sản đảm bảo 100% giống thủy sản được kiểm dịch khi lưu thông ra khỏi địa bàn, ngăn ngừa phát tán và lây lan dịch bệnh thủy sản. Kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh thủy sản nguy hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Mặt khác, tích cực kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Xây dựng, phát triển các cơ sở nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh (ưu tiên các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và đối tượng nuôi có giá trị hàng hóa lớn) thực hiện theo Kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030.
Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu
Từ nay đến 2030, thành phố Cần Thơ sẽ triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đầu mối thiết yếu tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, tập huấn, hạ tầng trung tâm giao dịch, cung ứng dịch vụ và thương mại đối với vật tư, thiết bị và sản phẩm thủy sản.
Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; Tiến hành gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ổn định, bền vững.
Hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ bao ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Xây dựng hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất (đặc biệt là phục vụ các mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa).
Cùng với đó, đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đảm bảo quan trắc kịp thời biến động môi trường, thông tin, cảnh báo cho cơ quan quản lý thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong vùng. Áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số để cảnh báo sớm về biến động môi trường nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.
Đầu tư hạ tầng sản xuất giống. Xây dựng trung tâm giao dịch/logistic cho sản phẩm thủy sản (đặc biệt là vùng nuôi thủy sản trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long). Nâng cao năng lực sản xuất giống của Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ, đảm bảo đáp ứng khả năng cung cấp con giống thủy sản chất lượng cao cho địa phương và toàn vùng.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị
Triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành đảm bảo các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạt động đúng quy định pháp luật. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm); trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát dư lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2030, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản thông qua chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Hướng dẫn nuôi theo quy trình sạch (VietGAP, GlobalGAP, ...) là điều kiện tiên quyết để sản phẩm có thể lưu thông trên thị trường. Xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái, ẩm thực, giải trí, tuần hoàn.
Để tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ sẽ thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết, phối hợp giữa các địa phương, các ngành kinh tế để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên (nhất là tài nguyên nước). Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thủy sản.
Chọn lựa sản xuất giống thủy sản có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu
Để chủ động cung cấp cho nhu cầu phát triển nuôi, thành phố Cần Thơ sẽ phát triển đàn cá tra chọn giống chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản; phát triển các biện pháp kỹ thuật cải tạo môi trường, phòng trị bệnh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Phát triển sản xuất thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, từng bước thay thế thuốc kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các quy trình công nghệ mới, nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường.
Thí điểm và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình về kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.
Để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, thành phố Cần Thơ cũng sẽ xây dựng các hướng dẫn nuôi trồng thủy sản gắn với an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm (với trọng tâm là nuôi cá tra và các loài thủy sản có giá trị kinh tế khác); thực hiện lồng ghép với Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Thủy sản.
Ngọc Thúy - FICen